Bất lực với đường lậu bày bán công khai?
Theo số liệu VSSA công bố, hiện bình quân có khoảng 500 nghìn tấn đường lậu được tuồn trái pháp luật vào Việt Nam, trong đó chủ yếu là đường Thái Lan. Việc buôn bán đường lậu hoành hành suốt thời gian qua không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mía đường…
Thực hiện ý kiến kết luận của Chính phủ về công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá và đường cát, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) phối hợp Cục Quản lý thị trường và Tổ công tác đặc biệt 334 của Bộ Công Thương đã kiểm tra và làm việc với một số tỉnh miền Trung và phía Nam và phát hiện tình trạng buôn bán đường lậu công khai.
Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh chia sẻ, từ sau chuyên án phá thành công vụ án “tỷ đường” ở An Giang, tình hình buôn bán đường lậu nói riêng và buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, thậm chí ở một số tỉnh có biểu hiện gia tăng và công khai.
Sau khi được tổ công Tổ công tác cung cấp kết quả khảo sát một số địa chỉ bày bán công khai đường cát nhập lậu, ngày 15/6 Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đồng loạt ra quân kiểm tra 10 địa điểm có nghi kinh doanh đường lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc tại quận 5, quận 6 và quận Tân Bình. Kết quả kiểm tra đã phát hiện lập biên bản 152 tấn đường không rõ nguồn gốc, bao bì.
Đặc biệt, ngày 14/6, khi đi khảo sát Tổ công tác phát hiện một xe tải mang BKS 74C – 036.10 của tỉnh Quảng Trị đang xuống hàng 25 tấn đường nguyên bao nhãn mác Thái Lan tại Cty TNHH Nông sản Hải Vinh (Điện Bàn, Quảng Nam).
Ngay sau đó, Tổ công tác gọi Chi cục QLTT tỉnh Quảng Nam đến lập biên bản tại chỗ tạm giữ hàng hóa và phương tiện. Tiếp đến, khi kiểm tra kho hàng của doanh nghiệp Tổ công tác còn phát hiện thêm 76 tấn đường nguyên bao nhãn mác Thái Lan, trong khi đó công ty chỉ xuất trình được hóa đơn xuất bán 25 tấn đường của một hộ kinh doanh cá thể tại thị trấn Cam Lộ, Quảng Trị.
Theo tìm hiểu của tintucf5.com tại Đà Nẵng, sau khi khảo sát Tổ công tác phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh đang bán công khai đường nguyên bao Thái Lan, thậm chí có cơ sở kinh doanh còn dùng xe nâng tập kết chuyển hàng lên xe và bán hàng ngay tại vỉa hè trước cửa hàng. Sau khi nhận được thông báo, Chi cục QLTT Đà Nẵng đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh và phát hiện tại kho 59 tấn đường đóng bao bì Thái Lan.
Không chỉ công khai buôn bán đường lậu trái pháp luật, theo Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh, tình trạng nhái nhãn mác, bao bì các thương hiệu đường uy tín trong nước cũng diễn ra phổ biến.
Cụ thể, tại quận 12, TP.HCM, Đội QLTT 12B Chi cục QLTT TP.HCM đã phát hiện, bắt giữ quả tang xe ô tô mang BKS: 67C – 071.38 đang vận chuyển 15 tấn đường cát bao bì TTC Biên Hòa, song không có hóa đơn chứng từ.
Qua làm việc với TTC Biên Hòa, tổ công tác được xác nhận toàn bộ số đường cát trên không phải do TTC Biên Hòa sản xuất. Do đó, vụ việc có dấu hiệu giả nhãn hiệu, báo bì, thương nhân được Tổ công tác chuyển sang Công an quận 12 tiếp nhận, điều tra, xử lý.
Theo số liệu VSSA công bố, hiện bình quân có khoảng 500 nghìn tấn đường lậu được tuồn vào Việt Nam, trong đó chủ yếu là đường Thái Lan. Việc đường lậu hoành hành suốt thời gian qua không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mía đường trong nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới nông dân trồng mía, đặc biệt thất thu thuế từ đường lậu có thể lên đến hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Phạm Quốc Doanh, ngoài việc đường biên giới dài, khó kiểm soát, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa kịp thời, thường xuyên, chặt chẽ còn đến từ việc một số cán bộ, chiến sĩ, đơn vị biên phòng chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm.