Kon Tum vẫn phải đấu tranh giành sự sống…đu dây qua sông để… SỐNG
Đời sống xã hội: Người dân chôn cọc bê tông ở hai bên bờ, sử dụng sợi cáp 16mm kết nối và hàn lồng sắt rồi treo lên dây cáp bằng hai dòng dọc để đu qua sông.
Người dân hai huyện Ngọc Hồi và Đắk Tô (Kon Tum) đã liều mình đu cáp treo qua sông, thay vì đi qua cầu treo cách đó 5km và cầu kiên cố 10km, để lên rẫy và ra trung tâm huyện buôn bán. Theo người dân, để đi cho “gần” và “đỡ mất thời gian”.
Sau một thời gian tạm lắng, trong những ngày qua tại tỉnh Kon Tum, dư luận lại ồn ào tình trạng người dân ở tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, sử dụng dây cáp đu qua sông để tới nơi sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, nhà ở ngay đầu con dốc dẫn xuống bờ sông, nơi đặt hai sợi cáp để người dân đu dây cho biết: “Hàng ngày, người ta đi qua lại cũng nhiều. Giờ bên đó tập trung đi nhờ hết mà. Ngõ đi xuống phía dưới thủy điện khó đi, giờ tập trung ở ngõ đây đi nhờ đó hết” – tintucf5.com tìm hiểu
Để an toàn cho những lần đu cáp vượt sông, người dân chôn cọc bê tông ở hai bên bờ, sử dụng sợi cáp 16mm kết nối và hàn lồng sắt rồi treo lên dây cáp bằng hai dòng dọc.
Mỗi khi qua sông, người hay nông sản, phân bón ở trong lồng sắt. Chỉ cần tháo dây buộc nhờ độ cao được thiết kế chênh lệch giữa hai bờ, lồng sắt sẽ tự trôi tới gần bờ bên kia.
Mặc dù tự giới thiệu là chịu được tải trọng tới hơn 1 tấn, rất đảm bảo an toàn khi qua sông, song nhiều người dân cũng thừa nhận, do khoảng cách giữa hai bờ xa tới gần trăm mét, sợi cáp dù to cũng thành mỏng manh nhất là những hôm trời có gió lớn rồi nước lũ tràn về.
Khác với thông tin cho rằng, tình trạng đu cáp qua sông Pô Kô ở tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi mới tái diễn, nhiều người dân và chủ sở hữu hai sợi cáp là ông Đặng Trung Tá khẳng định, đã tồn tại cả 10 năm nay.
Nói về lý do đu dây qua sông, ông Lương Tám, nhà có 4ha cây công nghiệp trồng bên kia sông cho biết: “Cái cầu sắt xa quá đi không được. Mưa sao đi, đường dốc, trơn, đường núi hẹp thế này làm sao đi được nên buộc phải qua cái này thôi. Ngoài ra không đi được đường nào hết. Xuống tới Tân Cảnh mới có đường qua lại. Từ Ngọc Hồi xuống tới Tân Cảnh lên mấy chục cây số sao lên tới đây được mà đường rẫy sao đi được. Chỉ có cái này là an toàn. Người dân giờ đi cái này thôi”.
Lựa chọn vượt sông Pô Kô bằng cáp, người dân ở tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần đỡ phải đi vòng xa hơn nhiều cây số mà đường lại khó đi.
Tuy nhiên đây là lựa chọn nguy hiểm bởi việc qua sông hàng ngày của họ chỉ được đảm bảo bằng một sợi cáp mỏng manh trong khi bên dưới là lòng sông mùa khô thì trơ đá còn mùa mưa là nước lớn hung dữ.
Theo tìm hiểu của các trang tin xã hội, được biết quá trình tồn tại điểm đu dây cáp qua sông này đã từng xảy ra ít nhất 2 vụ tai nạn, may mắn là không có thiệt hại về người.
Cho biết quan điểm của chính quyền địa phương trước việc làm này, ông Nguyễn Xuân Phượng, Chủ tịch UBND thị trấn Plei Kần nói: “Quan điểm của thị trấn không khuyến khích cái này. Cái này là một trong những phương tiện tự phát để họ qua sông làm rẫy, làm nương thôi. Chắc chắn nó không an toàn cho tính mạng nhất là về mùa mưa. Chính quyền địa phương hiện nay cũng đang phối hợp, vận động những hộ này thôi không dùng cáp treo mà phải đi theo đường cầu treo mà Nhà nước đã đầu tư”.
Ông Nguyễn Xuân Phượng cũng cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân hàng ngày tới nơi sản xuất, chính quyền thị trấn Plei Kần cũng đang bàn bạc với một doanh nghiệp xây dựng thủy điện ở khu vực này làm một cầu tạm bằng gỗ bắc qua sông.
Chỉ tiếc sự vào cuộc của chính quyền địa phương là quá chậm, bởi suốt gần 10 năm qua, hàng ngày không ít người dân vẫn đánh đu với tính mạng của mình mỗi khi qua sông./.