Phải làm sao khi con trẻ ” bỗng dưng mất hứng” ?
Giáo dục : Nhiều bậc cha mẹ than phiền con trẻ chỉ say sưa làm những điều trẻ thích, còn cha mẹ yêu cầu thực hiện việc gì đó thì giả vờ như không nghe thấy, thậm chí chống đối hoặc làm cho có.
Mẹ bé Hải Thanh (8 tuổi, Q.1, TP.HCM) chia sẻ: “Lâu nay bé rất thích môn toán nên mỗi ngày dành nhiều thời gian học toán, còn tiếng Anh bé lại đuối nhất so với các môn khác nên chúng tôi bắt con phải dành thời gian hơn cho tiếng Anh. Nhưng không những bé không tiến bộ mà còn biểu hiện chống đối, chán ghét mỗi khi cha mẹ nhắc đến chuyện học Anh văn”.
Bé Tuấn Kiệt (10 tuổi, Dĩ An, Bình Dương) rất thích nấu ăn và sưu tầm gia vị để cải thiện chất lượng các món. Gia đình bé cho rằng con trai cần tập trung làm những việc to tát, chứ không nên lúi húi vì những việc nội trợ nhỏ nhặt chỉ dành cho con gái.
Vì thế mỗi lần Tuấn Kiệt xin mẹ vào bếp làm những món bé thích là bị cha mẹ bắt ép đi học bài. Kết quả là dù ngồi vào bàn học suốt một buổi sáng, Tuấn Kiệt vẫn không hoàn thành nổi bài tập vì tâm trí của cậu đang bay bổng cùng với những món ăn hấp dẫn cậu muốn tự chế biến.
Dưới góc độ tâm lý lứa tuổi, những vấn đề này xảy ra với trẻ là hết sức bình thường. Khi trẻ đang hào hứng với điều mình thích thú mà bị cha mẹ bắt buộc làm một việc đầy thử thách, không hấp dẫn bằng thì trẻ cự nự, chống đối, thậm chí phản kháng, là tất yếu.
Tránh gây thêm ức chế cho trẻ
Không ít bậc cha mẹ nghĩ rằng bắt ép con ngồi vào bàn và ra một số bài tập, trước sau gì trẻ cũng phải hoàn thành. Trong khi đó, mang tâm trạng ức chế vào bàn học chỉ khiến trẻ càng ngày càng ghét việc học.
Khi muốn con học hành đến nơi đến chốn, thay vì áp đặt, ép buộc, cha mẹ cần sắp xếp thời gian học tập cho con khéo léo, linh hoạt theo nguyên tắc “chuyển hướng mục tiêu”, quy định trẻ đọc xong mẩu chuyện hay chương trình tivi thì mới đôn đốc trẻ học hoặc làm bài tập.
Như thế, trẻ sẽ cảm nhận được sự tôn trọng của cha mẹ dành cho mình mà tập trung học tập, khi đó hiệu quả học tập sẽ đạt được như mong muốn.
Các bậc cha mẹ nên lưu ý thời gian hay nguyên tắc được đưa ra trong quá trình giáo dục trẻ nhằm mục đích giáo dục trẻ nên người, nên cần tuân theo những gì đã quy định. Tuy nhiên, khi điều kiện hoàn cảnh thay đổi hoặc trẻ trưởng thành hơn, có thể khéo léo điều chỉnh cho phù hợp.
“Chuyển hướng mục tiêu”
Để vận dụng hiệu quả nguyên tắc giáo dục “chuyển hướng mục tiêu”, các bậc cha mẹ tham khảo một số gợi ý sau:
– Đặt cho trẻ những yêu cầu vừa sức: nếu đưa ra yêu cầu quá cao so với năng lực thật của trẻ sẽ khiến trẻ gặp nhiều trở ngại dẫn đến tự ti, bất mãn.
Ngược lại, nếu cha mẹ đặt yêu cầu quá thấp sẽ làm trẻ tự cao tự đại. Khi đưa ra các yêu cầu để lập thành kế hoạch cho trẻ, cha mẹ cần trao đổi tận tình, thấu hiểu năng lực, hứng thú, sở trường của trẻ.
– Cân bằng giữa các mục tiêu của trẻ: Trẻ trong độ tuổi đến trường thì việc học tập là chủ đạo, nhưng không phải vì thế mà bỏ qua các hoạt động khác.
Trong quá trình giáo dục con cái, cha mẹ nên quan tâm đến các hoạt động tổng thể của con mà qua đó giáo dục chung, giáo dục riêng, tích hợp các hoạt động để tạo hứng thú cho con.
– Chia sẻ các mục tiêu khó: Có một số việc trẻ phải thực hiện dù thời điểm hiện tại các bé chưa hứng thú. Vì vậy, cha mẹ nên đồng hành với con, giúp con từng bước nhận thức vấn đề mà bản thân phải thực hiện, đi từ những điều đơn giản đến phức tạp.
Đặc biệt, cha mẹ nên dùng các biện pháp đi kèm để sẵn sàng biểu dương khen thưởng, giúp trẻ thích thú dần với nội dung công việc trẻ phải thực hiện, nhất là phương châm “chơi để học” để kích thích hoạt động học tập.