TETRIS – Hành trình từ một game trí tuệ của Liên Xô thành bom tấn toàn cầu

TETRIS – Tựa game ra đời vào những năm 1980 đến nay vẫn giữ vững phong độ như thủa ban đầu. Tham khảo hành trình câu chuyện loại game trí tuệ xếp hình này sau đây:

Trong gần 4 thập kỷ, trải qua Chiến tranh lạnh rồi đến thời kỳ lắng dịu, Liên Xô sụp đổ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa toàn cầu, những thăng trầm trong ngoại giao quốc tế, và đặc biệt là mối quan hệ không mấy thuận hoà giữa Nga – Mỹ, mọi người trên toàn thế giới vẫn luôn bị mê hoặc bởi một phát kiến từ thời Soviet – một tựa game máy tính – mà cho đến thời điểm hiện tại, bằng một cách nào đó, vẫn tồn tại và ngày càng phổ biến hơn.

TETRIS - Hành trình từ một game trí tuệ của Liên Xô thành bom tấn toàn cầu

Không hề nói quá khi khẳng định bất kỳ ai từng đăng nhập vào một chiếc máy tính cũng sẽ ngay lập tức nhận ra tựa game xếp hình game offline PC với các khối 4 ô vuông từ trên “trời” rơi xuống. Khi được phát minh vào năm 1984 bởi một lập trình viên yêu thích giải đố, Tetris đơn thuần là một trò tiêu khiển đơn giản, được thiết kế với mục đích mang lại những phút giây thư thả cho những bộ óc đầy nghiêm nghị hoạt động 12 tiếng mỗi ngày tại Viện Khoa học Nga.

Từ một phần mềm nhỏ của Soviet, Tetris dần tiến hoá thành tựa game trí tuệ máy tính nổi tiếng nhất thế giới từ trước đến nay. Nó được chơi tại hơn 200 quốc gia, trên 50 nền tảng khác nhau bởi hàng triệu người vẫn miệt mài “cày” hàng tỷ ván game mỗi năm. Tetris đã được tải về trên các thiết bị di động đến hơn 500 triệu lần, mặc cho loại thiết bị này hầu như chưa tồn tại khi Alexxey Pajitnov giới thiệu tựa game này đến các đồng nghiệp vào năm 1984.

Pajitnov, nay 64 tuổi, nhìn nhận tựa game của mình giống một trò cờ hơn là một trò chơi điện tử thông thường như Minecraft hay GTA. “Tetris là một tựa game thực sự hay. Một trong những cái hay nhất. Đúng là tôi không khiêm tốn lắm. Nhưng đó là sự thật”.

Sinh ra ở Moscow, đi khắp bốn phương

Pajitnov, sinh ra ở Moscow, đang hỗ trợ phát triển một phần mềm nhận dạng giọng nói tại Trung tâm Điện toán Dorodnitsyn thuộc Viện Khoa học Nga vào năm 1984 khi ông bắt đầu xây dựng tựa game máy tính của riêng mình trong thời gian rảnh rỗi. Tựa game này có các tetromino – các hình khối ghép lại từ 4 khối vuông (tetra là tiền tố chỉ số 4) – với 7 hình dạng khác nhau, từ đường thẳng cho đến hình vuông, rơi từ trên xuống khu vực chơi. Ông gọi game này là Tetris.

Tựa game được xây dựng, và ban đầu chỉ chơi được, trên một máy tính đời đầu của Soviet là Elektronika 60, vốn không hề có khả năng xử lý đồ hoạ. Dẫu vậy, những khối đèn nhấp nháy đóng vai trò tetromino kia đã gây thích thú cho các đồng nghiệp của Pajitnov.

Không may cho cộng đồng game thủ thế giới vào thời điểm đó, mục đích của học viện nơi Pajitnov làm việc không phải là để phát triển game máy tính.

“Trung tâm Máy tính là một viện khá nghiêm túc” – Pajitnov nói. “Rất nghiêm khắc và nghiêm túc. Không ai từng có ý nghĩ tạo ra một tựa game máy tính. Về cơ bản, tất cả những thứ này chỉ để cho vui mà thôi”

Sau đó nhiều tháng trời, Pajitnov, trước sự khuyến khích của các đồng nghiệp nhằm đưa Tetris tiếp cận nhiều người chơi hơn, đã nhờ một người port tựa game này lên nền tảng IBM PC vốn phổ biến hơn nhiều.

“Trên PC, nó như bước sang cuộc đời mới” – Pajitnov nói. “Nó như một trận cháy rừng vậy. Lan đi khắp nơi”

Cuối cùng, tựa game được lưu vào những chiếc đĩa mềm và mang sang nhiều quốc gia khác. Nhưng đó không phải một cuộc hành trình êm ả, mà ngược lại đầy những vấn đề pháp lý và đôi lúc là những thủ đoạn mờ ám. Những người bên ngoài Liên bang Soviet rất háo hức có được tựa game để mang bán nó. Chính quyền Soviet, vốn nắm giữa mọi quyền liên quan tác phẩm của Pajitnov, từ chối.

Có thời điểm, một công ty phần mềm Hungary tưởng chừng đã nắm được bản quyền từ Pajitnov để bán tựa game này sang phương Tây. Nhưng hoá ra đó là một sự nhầm lẫn; Pajitnov, một lập trình viên bình thường ở Soviet, không có quyền bán giấy phép tác phẩm của chính mình. Và chính quyền Soviet, vẫn như trước đây, từ chối buông tay khỏi Tetris.

Đến năm 1988, cơ quan phụ trách xuất khẩu phần cứng và phần mềm máy tính của Soviet đã ban cho Tetris một ân huệ, và nó đã xuất hiện trên các PC tại Anh và Mỹ. Tetris thực sự bùng nổ một năm sau đó, khi một máy tính chơi game cầm tay mới được sản xuất bởi công ty Nhật là Nintendo – Game Boy – xuất hiện với hứa hẹn sẽ tặng kèm một băng Tetris cho mỗi máy bán ra tại Mỹ. Nếu Soviet đồng ý.

“Tôi thực hiện một thoả thuận với Minora Arakawa, nhà sáng lập Nintendo Mỹ, để Nintendo đưa Tetris vào mỗi máy Game Boy” – theo lời Henk Rogers, một nhà sản xuất trò chơi điện tử Hà Lan sống tại Nhật, hiện là chủ tịch của Tetris Company. “Ông ấy nói, ‘tại sao tôi phải bán kèm Tetris? Tôi có Mario rồi’. Và tôi nói rằng, ‘Nếu ông muốn mấy cậu nhóc mua Game Boy, thì bán kèm Mario. Nhưng nếu ông muốn mọi người mua Game Boy, ông nên bán kèm Tetris”.

Chính quyền Soviet – vẫn đang trong cuộc chiến tranh lạnh và nghi ngờ về mọi thứ liên quan đến phương Tây – lúc này vẫn chưa bị thuyết phục. KGB đã vào cuộc. Lãnh đạo Soviet, Mikhail Gorbachev, nắm giữ quyền lực để giải quyết mọi chuyện. Rogers, với thoả thuận màu mỡ đang như chỉ treo đầu mành, đã bay đến Moscow để tìm cách thuyết phục chính quyền Soviet ký vào thoả thuận. Ông được cho là đã bị các quan chức Soviet chất vấn suốt nhiều giờ. “Tôi nghĩ họ đang cân nhắc có nên đưa tôi đến Siberia hay không” – ông nói.

Canh bạc đã thắng lợi. Chính quyền Soviet đồng ý thoả thuận. Băng Tetris, với nhãn in theo chủ đề Soviet (kèm dòng chữ “From Russia With Fun!”), đã trở thành một phần của Game Boy khi thiết bị này ra mắt năm 1989. Trong năm đó, Nintendo đã bán được đến 35 triệu máy Game Boy!

Và tất nhiên, Tetris đã bùng nổ thành một hiện tượng toàn cầu.

Mục tiêu của trò Tetris truyền thống là điều khiển vị trí và cách các tetromino rơi xuống để lấp đầy toàn bộ các đường ngang trong màn chơi. Khi được hoàn thành, các đường ngang sẽ biến mất, tạo chỗ trống để các tetromino khác rơi xuống. Người chơi càng lấp đầy nhiều đường ngang và “thổi bay” chúng trước khi các tetrominos (Tetris gọi tetromino là “Tetrimino”) xếp chồng lên nhau và chạm “nóc” của màn chơi, điểm số họ đạt được sẽ càng cao.

Nghe có vẻ đơn giản. Và với những cấp độ cơ bản ban đầu, đúng là vậy. Nhưng đó chỉ là một phần trong vẻ đẹp của trò Tetris.

“Tetris rất ảo. Nó tạo ra ảo tưởng trong tâm trí người chơi. Tưởng là rất đơn giản, nhưng không hề” – Pajitnov nói. “Bạn phải học cách chơi rất lâu. Với các trò chơi điện tử bình thường, bạn mất 30-40 tiếng để chơi thuần thục. Tetris, theo cách nghĩ của tôi, mất đến 120 tiếng”

Và đó là lý do Pajitnov nói Tetris là một trò giải đố. “Không có câu đố nào. Điều bạn thấy là điều bạn có được” – ông nói.

Theo nhiều cách, tựa game trí tuệ xếp hình này tương tự game xếp bi đơn giản đến thần bí; quá dễ dàng đến nỗi hiếm khi bạn làm chủ được.

Tetris là một trong những tựa game đạt nhiều giải thưởng nhất trong lịch sử và có vô số các phụ bản qua nhiều năm, tất cả đều được cấp giấy phép bởi The Tetris Company. Bạn có thể chơi game này, dưới nhiều hình thức khác nhau, trên iPhone, smartphone Android, các hệ máy Nintendo, Xbox, PlayStation, trên các máy tính laptop và desktop Apple lẫn Windows, trên tablet, và trên nhiều thiết bị và nền tảng khác, bao gồm các headset thực tại ảo như Oculus.

Một giải đấu thường niên sử dụng phiên bản Tetris 1989 trên Nintendo Entertainment System (NES) – giải vô địch thế giới Tetris cổ điển – được tổ chức tại Portland mỗi năm một lần (và được tổ chức qua mạng trong năm 2020 vì COVID-19).

Cho đến nay, có lẽ Pajitnov đã đánh mất hàng triệu USD tiền bản quyền với Tetris. Nhưng ông vẫn vui vẻ với tác phẩm do mình tạo nên và tin vào giá trị trường tồn của nó.

“Đã có lúc, tôi có một lựa chọn, hoặc bắt đầu đấu tranh vì quyền lợi của mình, và dành cả đời để tranh đấu… Tôi quyết định rằng nếu Chúa cho tôi một món quà để tạo ra một tựa game như vậy, tôi sẽ tạo ra một tựa game khác và đối xử với nó theo cách khác” – theo lời Pajitnov, tác giả của nhiều tựa game khác, bao gồm các game giống Tetris như Welltris và Hatris. “Điều quan trọng nhất là mang tựa game này đến với mọi người”

"Hãy nhớ rằng các thông tin chúng tôi đề cập chỉ để bạn tham khảo. Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định của bạn. Đừng quên truy cập trang web thường xuyên để cập nhật thông tin hữu ích."