Ông chồng 60 tuổi quyết ly hôn bằng mọi giá bởi vì bị vợ đầy đọa hàng chục năm
Theo như luật sư Vũ Quang Bá thuộc đoạn luật sư thành phố Hà Nội thì đây là một trong những vụ ly hôn kéo dài và rắc rối nhất mà anh từng xử lý trong năm qua.
Theo đó : Ông Hưng, bà Hòa, cùng 60 tuổi, có 2 đứa con, hiện sinh sống ở Bắc Ninh. Cả hai ông bà cùng làm ruộng, chăn nuôi lợn gà. Theo đánh giá của hàng xóm thì ông Hưng là người hiền lành, chịu khó. Trong khi vợ của ông lại thuộc tuýp người nói nhiều, nóng tính, ai đụng đến là “xù lông lên”.
Luật sư cho biết qua tìm hiểu hàng xóm láng giềng, anh được biết hai người đã sống riêng hơn chục năm nay, bà ở nhà trên, ông ở nhà dưới, cơm nước mỗi người tự lo. Những người sống xung quanh cho hay gia đình này thường xuyên lời qua tiếng lại. Ông Hưng bị vợ mắng chửi, lăng mạ suốt ngày, thậm chí còn bị bà đánh thâm tím chân tay. Ông xấu hổ với làng xóm nên sống thui thủi, hầu như không nói chuyện với ai. Hai đứa con lớn đi học ở xa, mỗi lần về hùa theo mẹ, dửng dưng với bố.
Thu nhập từ việc bán lúa, lợn gà trong nhà bà Hòa đều cầm hết. Ông Hưng chỉ có vài đồng nhờ mỗi ngày bán vài mớ rau. “Tôi vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt khắc khổ của bác ấy, đôi tay gầy guộc và làn da xanh xao. Lần nào tôi đến làm việc, cũng vẫn là mâm cơm chỉ có cơm, rau, đậu. Bác ấy lau nước mắt kể về việc vợ nhiều lần bắt dời bàn thờ bố đi chỗ khác, không cho để trong nhà”, luật sư Bá kể lại.
Không còn tình yêu, suốt ngày phải chịu cảnh sống mệt mỏi, đầy đọa về tinh thần, ông Hưng quyết định nộp đơn xin ly hôn. Nhưng mỗi lần cán bộ đến, bà Hòa lại “chơi bài đoàn tụ”. Bà gọi ông lên ăn cơm cùng, mua cho ông tấm áo… nhưng khi người ta đi khỏi, bà lại mắng chửi, dọa dẫm chồng.
Không thể tự mình giải quyết, ông Hưng tìm đến luật sư Bá để được tư vấn ly hôn. Sau khi nghe những tâm sự của ông và tìm hiểu từ làng xóm, chính quyền, luật sư Quang Bá biết hai ông bà đã có nhiều mâu thuẫn trầm trọng, kéo dài nhiều năm. Vợ chồng không còn tình cảm, bà Hòa không những không thực hiện đúng nghĩa vụ vợ chồng mà còn có hành vi vi phạm pháp luật khi bạo hành về tinh thần, thể chất với ông Hưng. Điều đó đã diễn ra trong thời gian dài, lặp đi lặp lại, không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ ông.
Bà Hòa thì cho rằng sau khi có mâu thuẫn bà đã nhiều lần muốn hoà giải, tuy nhiên trong quá trình toà giải quyết bà không có căn cứ chứng minh cũng như không có những hành động thể hiện việc mong muốn đoàn tụ. Luật sư đã phải thu thập nhiều bằng chứng và lời khai của hàng xóm để chứng minh hai vợ chồng đã sống ly thân nhiều năm, ăn ở riêng chứ không “thi thoảng có mâu thuẫn” như lời bà Hòa.
Sau hơn một năm, ông Hưng mới được tòa chấp nhận cho ly hôn đơn phương. “Bà Hòa cho biết sẽ kháng cáo, và không quên dọa chồng ‘ông sẽ sống không yên’ ngay sau khi phiên tòa kết thúc”, luật sư Bá kể lại.
Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương, Giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội, cho biết trường hợp chồng bị vợ bạo hành như trên không phải là hiếm.
Bản thân chị từng gặp và tư vấn cho nhiều người chồng khi rơi vào hoàn cảnh này. “Khi không còn hạnh phúc, không còn có cái nhìn chung, lại bị bạo hành về tinh thần, thể xác thì ly hôn là việc nên làm. Nhưng không phải ai cũng dũng cảm làm việc đó. Mỗi người có những nguyên do riêng của họ”, chuyên gia Thu Hương cho hay.
Trường hợp của đôi vợ chồng chị tư vấn cách đây một năm khiến chị phải trăn trở. Người chồng tên Nam, ngoài 50 tuổi, có học vị cao, kiếm ra tiền, hiền lành, nhưng suốt ngày về nhà bị vợ mắng nhiếc, ca thán vì không giúp vợ làm việc gì. Không muốn đôi co với vợ, nên mỗi lần cãi nhau, ông Nam giữ thói quen im lặng. Nhưng ông càng im lặng, vợ ông càng lấn tới. Nhiều lần, vì không chịu nổi thói càu nhàu vô lý của vợ, ông đã bỏ tới ở cơ quan cả tháng trời. Vợ ông sau đó tỏ ra hối lỗi nhưng rồi đâu lại vào đó.
Thương ông đã khá nhiều tuổi mà nhiều lúc vẫn phải ở nhờ cơ quan, họ hàng, vợ nhiều lần làm mất mặt chồng trước mặt nhiều người, anh em khuyên ông Nam nên ly hôn để sống cho thoải mái, nhưng ông cứ lần lữa. “Người vợ khi đến gặp tôi luôn miệng nói xấu chồng, nói ông không làm được gì. Nhưng khi tôi hỏi ngược lại, có đưa tiền không, có rượu chè, trai gái không, chị ấy đều nói rằng không. Đứa cháu đi cùng khi nghe chị ấy liên tục kể tội chồng, ra hiệu với tôi là không phải như vậy”, chuyên gia Hương cho hay.
Cô bé ấy sau đó còn chia sẻ nếu ai tỏ ý bênh vực ông Nam, bà đều tỏ ra khó chịu, “nổi đóa” nói lại họ không tiếc lời. Anh em họ hàng ai cũng biết tính bà, chỉ thương ông Nam phải chịu đựng người vợ ghê gớm như vậy. “Tôi khuyên ông nếu không thể chịu nổi nữa thì nên ly hôn vì sống không hạnh phúc rất mệt mỏi. Nhưng ông thuộc tuýp người ngày xưa, rất sợ khi phải nghe thấy hai từ đó. Ông nghĩ ly hôn là điều gì đó rất xấu xa. Ông nói sẽ tiếp tục ‘giả điếc’ như những năm qua”, tiến sĩ Hương cho biết.
Trong kỳ họp Quốc hội ngày 9/11 vừa qua, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) đã thẳng thắn nói về vấn đề nam giới bị vợ bạo hành. Theo ông Tuấn, có nhiều trường hợp các ông chồng bị vợ con hắt hủi, cấm vận, thậm chí là bị đánh.
“Trong những trường hợp này, do sĩ diện nên ít người đàn ông nói ra và xã hội cũng chưa thực sự quan tâm”, ông Trương Anh Tuấn nhận định.
Ông Tuấn cho rằng do có quan niệm phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh, nên công tác bình đẳng giới là bảo vệ bênh vực phụ nữ, như vậy chưa đúng. Bình đẳng giới là vấn đề cần quan tâm với cả nam và nữ.