“Con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả… Con xin lỗi”.
“Con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả… Con xin lỗi”, những dòng chữ của một học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến (TP.HCM) để lại trước khi nhảy từ tầng 4 xuống sân trường tự tử đã khiến cộng đồng mạng và nền giáo dục một lần nữa dậy sóng.
Trong phần bình luận trên mạng xã hội hoặc dưới các bài báo đăng tin này, người ta dễ dàng nhận thấy các bậc phụ huynh bày tỏ sự thất vọng về môi trường giáo dục đã tạo ra áp lực quá lớn cho học sinh. Trường hợp nam sinh tự tử vì không thể đạt được mong muốn của bố mẹ, vì đã cố gắng lắm nhưng điểm vẫn không được như kỳ vọng là một ví dụ.
“Căn bệnh thành tích lan rộng từ xã hội vào trường học, khiến nhiều phụ huynh không còn tỉnh táo. Họ ép con học ngày đêm bất biết khả năng, tính cách của con mình ra sao”, bạn đọc Hoài Nam viết.
Trong khi đó, bạn Linh Quyên, mẹ của một học sinh lớp 7 bày tỏ: “Khi trường học ngày càng mất đi sự thiêng liêng trong việc truyền đạt kiến thức, đạo đức; Khi tiêu cực lan sâu vào môi trường sư phạm từ cội gốc đến hình thức thì việc quan trọng nhất ở trường dường như chỉ là điểm số. Tôi thật sự quan ngại về điều này”.
Bạn đọc Hoa Vinh bình luận: “Mục đích cuối cùng của giáo dục là khiến con người ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, bỏ cái xấu và hướng đến chân – thiện – mỹ. Giáo dục không đơn thuần là điểm số, hoặc dạy con phải hơn thua bằng được với đời. Cố hơn người khác để làm gì khi ta tự thua chính bản thân mình? Chính sự nhận định chưa đúng về giáo dục đã khiến chúng ta đi chệch hướng và kéo theo những hệ lụy không đáng có, mà các em chính là nạn nhân”.
Bạn đọc Hòa An chia sẻ: “Lỗi gián tiếp là nền giáo dục. Lỗi liên đới là nhà trường. Lỗi trực tiếp là ở gia đình. Gia đình là điểm tựa số 1 của con, học hành như vậy mà vẫn không đáp ứng được thì cháu tuyệt vọng là dễ hiểu. Chỉ tội cho đứa trẻ, chưa kịp trưởng thành để hiểu bản thân mình cần gì”.
Ở một góc nhìn khác, chị Khánh Vân, có con đang học lớp 10 tâm sự: “Đọc thư tuyệt mệnh của con gửi bố mẹ, tôi đã khóc. Và tôi nhìn lại mình, tôi đã làm gì với con của mình? Thật sự trong môi trường như hiện nay, nếu con cái điểm số thấp thì không chỉ gia đình mà bản thân các cháu cũng bị áp lực. Giáo dục phổ thông chủ yếu để tạo nền tảng, phương pháp, để sau này xã hội có những công dân khỏe mạnh về thể chất, hiểu biết về cuộc sống, hiểu rõ đúng sai chứ không phải đào tạo ra những cỗ máy học vẹt và không dám nói lên sự thật như hiện nay.
Đến việc đứng lên tố cáo cô giáo 3 tháng vào lớp không giảng bài cũng gây chấn động và phải chuyển trường thì nói thật, giáo dục lệch chuẩn từ giáo viên mất rồi. Nếu con tôi nói muốn buông xuôi, thật sự tôi hoàn toàn có thể hiểu được”.
Mong muốn con phải giỏi giang đã khiến nhiều phụ huynh “ép” con học. Nhà trường muốn giữ vững danh hiệu cũng “gò” học sinh theo những guồng quay của thành tích, điểm số. Kết quả, việc học với nhiều trẻ không còn là niềm vui khám phá tri thức mà trở thành một nỗi ám ảnh.
Dòng tin tức về việc em học sinh lớp 10 ở TPHCM vừa gieo mình từ tầng 4 xuống sân trường khiến nhiều người xót xa, vừa giận lại vừa thương. Cái chết của em như một nhát dao cứa vào lòng người lớn. Em để lại bức thư tuyệt mệnh, nói rằng quá áp lực vì học tập, vì điểm số và xin lỗi ba mẹ, để chọn cách ra đi.
Đáng tiếc, trường hợp của em chỉ là một trong số rất nhiều vụ tự tử vì áp lực học tập xảy ra thời gian qua. Áp lực này do đâu: Chương trình học quá nặng, trẻ phải tham gia quá nhiều cuộc thi, hay trẻ chán nản về bản thân, vì không đạt được kết quả như kỳ vọng của bố mẹ?
Theo TS Nguyễn Khánh Trung (Tổ chức Giáo dục Emile Việt), những cái chết của học sinh là lời cảnh tỉnh cho người ở lại. Đi nhiều, nghiên cứu giáo dục của nhiều nước, ông nhận thấy các nước phát triển không có nguyên nhân tự tử vì áp lực học tập như ở Việt Nam.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ có suy nghĩ và lựa chọn hành động tiêu cực, trong đó có nguyên nhân từ phía trường học, giáo dục gia đình và những bất ổn tâm sinh lý lứa tuổi.
Ở các nước phát triển không có nguyên nhân từ phía trường học, còn ở Việt Nam, không ít trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học hành, vì thành tích điểm số.
Văn hóa thành tích đã tồn tại từ rất lâu, ăn sâu vào mỗi người giáo viên, người làm giáo dục và tác động cả vào phụ huynh, khiến học sinh phải chịu quá nhiều áp lực từ nhiều phía”- ông Trung chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia giáo dục này, nhóm nghiên cứu của ông từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều học sinh trên khắp cả nước và chỉ qua một vài câu hỏi là các em bắt đầu bộc bạch, nói hết gan ruột, vì ở nhà không thể nói chuyện được với cha mẹ.
“Các em nói những việc mà mình nghe cũng chảy nước mắt, thấy sao khổ quá, học sinh bây giờ khổ quá. Có em nói rất thích thể thao, thích vận động, nhưng bố mẹ chỉ coi đó là môn giải trí, chứ không phải là một nghề nghiệp nghiêm túc. Bố mẹ muốn em phải trở thành bác sĩ, như người nọ người kia.
Người lớn chúng ta luôn đòi hỏi nhiều ở học sinh, gây ra áp lực, khiến chúng nghĩ quẩn, bỏ nhà ra đi. Có những em còn đánh bạn… để giải tỏa áp lực tâm lý”- TS Trung tâm sự với tintucf5.com
Ông đưa ra lời khuyên với các bậc cha mẹ, thầy cô: Bản chất của con người là khác biệt nhau, mỗi em học sinh có một khuynh hướng riêng, cách học riêng. Chuyện so sánh con mình với hàng xóm là không đúng và không công bằng.
Nhưng giáo viên, phụ huynh không hiểu được điều đó mà vẫn dạy trẻ theo lối áp đặt suy nghĩ. Áp đặt lâu ngày làm cho đứa trẻ đánh mất ý thức của mình, trở thành một người khác. Các em sống cho cha mẹ, như cha mẹ mong muốn, thầy cô mong muốn. Sống lâu ngày như thế, đến một lúc sẽ không làm chủ được suy nghĩ của bản thân, dễ nảy sinh ý nghĩ tiêu cực. Đã đến lúc người lớn hãy cho những đứa trẻ cơ hội được sống cho mình.
Theo TS Tùng Lâm, chuyện áp lực học hành như đã trở thành quy luật chung, thầy cô, cha mẹ nào cũng muốn tốt cho học trò nhưng nó có những vấn đề đi theo dẫn đến những khủng hoảng tâm lý cho học sinh.
Học sinh phải tìm đến con đường tự tử chắc chắn bản thân em đó phải có những bức xúc, những người chọn cách này để giải thoát coi đây là cách tốt nhất để thoát khỏi những áp lực. “Không hiểu bạn bè hay gia đình có gần gũi em ấy không hay để em cô độc trong những lỗi lầm” – thầy Tùng Lâm đặt câu hỏi.
Thầy Lâm phân tích, em học sinh này tự tử và để lại thư tuyệt mệnh do không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ, nhưng quan trọng phải xem bài học rút ra là gì chứ đừng đổ lỗi cho ai. Gia đình có con trong hoàn cảnh này đã khổ lắm rồi, nói tại bố mẹ chỉ làm tổn thương họ hơn, hãy chia sẻ với họ.
“Bố mẹ kỳ vọng vào con ít thôi nhưng hãy kỳ công với con, lắng nghe, tìm hiểu và hỗ trợ con khi con cần. Để sự phát triển của con phù hợp với năng lực, sức khỏe, mong muốn của con. Mạng sống là quan trọng chứ điểm số học hành đâu có quan trọng” – thầy Lâm nói.
Khi rơi vào những tình huống áp lực trong học hành thì điều trước tiên mà các em cần chính là sự quan tâm từ chính gia đình, bố mẹ của các em. Quan tâm từ vấn đề sức khỏe cho đến tâm tư tình cảm cũng như mong muốn như thế nào. Nếu con học không giỏi thì đừng ra mục tiêu quá cao là phải vào trường điểm, trường chọn, hãy động viên con làm hết sức có thể, nếu đạt được thì tốt còn nếu không hãy cho con có những lựa chọn khác.
“Bố mẹ bây giờ toàn sống thay con cái, như vậy là rất nguy hiểm” – thầy Lâm khẳng định.
Thứ hai, thầy cô cần giảm đi những áp lực không cần thiết, tùy vào năng lực học sinh để có những yêu cầu khác nhau. Nhiều thầy cô luôn nghĩ tất cả học sinh phải làm hết việc này việc kia, phải hoàn thành hết tất cả các bài tập thế nhưng cái quan trọng trong vai trò của giáo dục là phải đến với từng học sinh. Học sinh giỏi thì khuyến khích các em, còn học sinh yếu hay học sinh bình thường thì cần có những giới hạn khác về bài tập.
Thứ ba, bạn bè cũng nên gần gũi để chia sẻ và phát hiện những bất thường của nhau và thông báo cho thầy cô cũng như gia đình khi cần thiết.